Tin tức

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024 tăng mạnh

A Comprehensive Checklist to Set Up a Business in Vietnam

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có tỉ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao, đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2024 cũng như 2025. Năm 2023 đánh dấu một năm đầy sôi động của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới về lĩnh vực này liên tiếp rót vốn vào Việt Nam với những dự án lên đến cả tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Việt Nam tiếp tục trở thành điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài

2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp không ít khó khăn hiện nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính đến 20/2/2024 (thời điểm chốt số liệu báo cáo – PV), tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023 – đây là con số tăng ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay. “Con số này chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới” – Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương chia sẻ.

Ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 – nhấn mạnh: Chính Bộ KHĐT cũng bất ngờ với con số này, bởi trong điều kiện bất ổn hiện nay, các chuyên gia kinh tế từng lo ngại áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến nguồn vốn FDI vào Việt Nam (và nhiều nước khác) có thể giảm.

“Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi dù kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều bất ổn đang diễn ra, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, đầu tư (ĐT) Việt Nam vẫn cho lợi nhuận tạo phấn khởi, tin tưởng cho các nhà đầu tư ngoại” – ông Vũ Tuấn Anh nói.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút các nguồn lực kinh tế từ “sếu đầu đàn” của các nước, đặc biệt là các nhà đầu tư có dự định làm ăn lâu dài tại châu Á. Việt Nam được đánh giá là địa điểm đầu tư an toàn, hiệu quả trong khu vực.

“Hiện nay, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, giá nhân công lao động chưa cao. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương, đa phương với nhiều nước và khu vực” – TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc… Điều đáng nói là, không chỉ vốn đầu tư tăng, mà tỉ lệ giải ngân vốn cũng rất khả thi, cho thấy Việt Nam tiếp tục là địa chỉ đầu tư an toàn, hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng lạc quan nhận định, trong bối cảnh này, môi trường đầu tư tại Việt Nam có sức hấp dẫn lớn hơn nhiều lo ngại. Hấp dẫn vì ngoài yếu tố truyền thống như ưu đãi thuế, đất đai, thủ tục hành chính và ưu thế về lao động giá rẻ cũng như cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước còn có ưu thế mới như vị trí địa lý và vị thế kinh tế thuận lợi đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, chính sách công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế số và kinh tế xanh… thu hút nhà đầu tư lớn gắn với tăng tiềm lực nhà đầu tư trong nước.

“Việt Nam đang chứng tỏ khả năng trở thành một trung tâm sản xuất tầm cỡ toàn cầu song vấn đề là cần tối đa hóa lợi ích quốc gia từ vai trò đó” – TS. Nguyễn Đình Ánh nói.

Lý giải vì sao thuế tối thiểu toàn cầu tăng đã không tác động đến đầu tư FDI ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng, mức thuế đó là mặt bằng chung rồi nên các nhà đầu tư lớn quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố cao hơn mặt bằng chung đó. “Thêm vào đó, phần lớn nhà đầu tư mới vẫn không phải là đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu” – ông Ánh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, cần triển khai 3 giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI lớn, chất lượng, đó là: Tập trung cải thiện hạ tầng và đất đai; tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung hoàn thiện công tác thể chế.

Các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất lớn và yêu cầu hạ tầng cao. Do đó, thời gian tới chúng ta sẽ tập trung hoàn thiện các dự án kết nối hạ tầng. Đồng thời, triển khai ngay các văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai… Những cơ chế, chính sách mới được ban hành chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Thời cơ đã đến!

2023 đánh dấu một năm đầy sôi động của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Trong năm, hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới về lĩnh vực này liên tiếp rót vốn vào Việt Nam với những dự án lên đến cả tỷ USD.

Không chỉ đầu tư sản xuất ở Việt Nam, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam – một khâu rất quan trọng trong sản xuất để làm bệ phóng cho những sản phẩm công nghệ cao hiện đại. Đơn cử như Tập đoàn thiết kế vi mạch Marvell (Hoa Kỳ) công bố sẽ sớm thành lập trung tâm thiết kế quy mô lớn tại Việt Nam. Dự kiến sau ba năm, quy mô nhân sự sẽ tăng 50% so với hiện nay.

Những dự án trên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Việt Nam đi đúng hướng trên con đường thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Các địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên hay TP. Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu về lắp ráp linh kiện điện tử mà còn có thể trở thành những trung tâm đi đầu trong ngành.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi tháng 12/2023, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) John Neuffer đánh giá, nhiều công ty của SIA đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… Một số doanh nghiệp tăng gấp đôi số vốn đầu tư sau nhiều năm làm ăn tại đất nước.

“Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đây chính là lúc đất nước cần gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới” – Chủ tịch SIA khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, đất nước đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất.

GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) nhận thấy, quy mô của thị trường chip toàn cầu đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỷ USD, tăng từ khoảng hơn 600 tỷ USD năm 2022. Vì vậy, cơ hội dành cho Việt Nam trong “chiếc bánh khổng lồ” này rất lớn. “Công nghệ bán dẫn là câu chuyện của cả thế giới. Các nước phát triển đều đang ưu đãi để mở rộng nghiên cứu và sản xuất cho ngành này. Việt Nam không có nhiều tiền để đầu tư, nên phải dựa vào thu hút nguồn vốn FDI để phát triển”.

Trên thực tế, đất nước hình chữ S đang là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư chip hàng đầu thế giới. GS. Nguyễn Mại cho hay, điều quan trọng lúc này là phải thay đổi cách tiếp cận ưu đãi để đón cơ hội lớn này. Việt Nam và nhiều nước đang phát triển thường chọn ưu đãi về thuế để thu hút vốn. Tuy nhiên, với những quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì việc thu hút FDI trong thời gian tới sẽ phải tập trung ưu đãi về chi phí, tiêu hao trong đầu tư cho doanh nghiệp bằng tài chính.

Những thay đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư sớm như GS. Nguyễn Mại đánh giá, “sẽ khiến Việt Nam có nhiều cơ hội xác lập được nền công nghiệp bán dẫn. Từ đó, tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sự lan tỏa không chỉ trong thu hút vốn ngoại mà nguồn vốn nội địa tham gia vào chuỗi giá trị này”.

Nguồn:
https://www.congluan.vn/dau-tu-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-2024-thoi-co-da-den-post287823.html

Related Posts